Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

KHỦNG HOẢNG CỦA VẬT LÝ HỌC VÀ THỰC TẠI LÀ GÌ ( tiếp theo và hết )

7- Đức Phật và Khoa học : Khoa học và Đức Phật đều có cùng một mục đích, một mong muốn duy nhất là CHẤM DỨT KHỔ. Nhưng khoa học với hiểu biết theo nguyên lý TÂM BIẾT CẢNH nên đã MẶC ĐỊNH thực tại là thế giới vật chất nên sống bị chi phối bởi hiểu biết về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ) thuộc về thế giới ngoại cảnh. Cụ thể Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Chấm dứt Khổ phụ thuộc vào thế giới, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và đương nhiên Con đường Chấm dứt Khổ là thay đổi thế giới, thay đổi hoàn cảnh sống. Chính vì hiểu biết đó mà Khoa học nỗ lực khám phá thế giới vật chất để thay đổi thế giới, thay đổi hoàn cảnh sống, để con người hết Khổ. Ngược lại Đức Phật nhờ quan sát và tư duy sự tương tác giữa 6 căn và 6 trần mà giác ngộ ra thực tại là Cảm thọ, là Tâm chứ không phải Cảnh, theo nguyên lý TÂM BIẾT TÂM chứ không phải TÂM BIẾT CẢNH và do vậy Ngài đã giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Thế Giới, về Vũ Trụ. Ngài giác ngộ Tứ Thánh Đế là giác ngộ Sự thật Khổ, Sự thật Nguyên nhân Khổ, Sự thật Chấm dứt Khổ, Sự thật Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ) thuộc về Tâm chứ không phải thuộc về Cảnh, về Thế Giới, nên Con đường Chấm dứt Khổ là thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Thế giới, như hiểu biết của Khoa học. Chính vì vậy, Giáo Pháp mà Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng là KHÁM PHÁ TÂM, THAY ĐỔI TÂM chứ không phải KHÁM PHÁ THẾ GIỚI, THAY ĐỔI THẾ GIỚI như Khoa học. Đối với một người đã giác ngộ, sau khi hiểu đúng và thực hành đúng Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng, đã chấm dứt khổ, đã đoạn tận khổ thì mọi việc cần làm đã làm xong, không có gì phải làm nữa, có chăng là việc chia sẽ điều mình đã chứng ngộ với những người có duyên, nhưng đấy không phải là công việc bắt buộc phải làm. Đối với vị đó Thế giới vũ trụ có vuông hay tròn, dài hay ngắn, vô thường hay thường, hữu biên hay vô biên, nguồn gốc con người và thế giới từ đâu mà có ... không còn làm vị đó quan tâm tìm hiểu nữa.
Vì vậy, Đức Phật và Khoa học không thể đồng hành, không cùng một hướng đi. Các tông phái Phật giáo phát triển về sau không hiểu được sự giác ngộ của Đức Phật là giác ngộ về Tâm chứ không phải giác ngộ về Thế giới, và do hiểu biết vô minh theo nguyên lý Tâm biết Cảnh, nên họ gán cho Đức Phật giác ngộ về Thế giới về Vũ trụ. Vì vậy, các chú giải, luận giải, các bản kinh họ nói ra theo tư tưởng đó, chủ yếu bàn về Thế giới tương đối hay tuyệt đối nhưng họ lại gán cho Đức Phật nói. Nhiều người, thậm chí là đa số phật tử không hiểu được sự giác ngộ về Tâm của Đức Phật nên ngộ nhận là những thành tựu của Khoa học ngày càng chứng minh cho sự giác ngộ về thế giới, biết về thế giới “trước cả” khoa học của Đức Phật. Chính vì những ngộ nhận và những kinh, luận của các tông phái như vậy mà thậm chí Anh stanh cũng ngộ nhận, tôn giáo của tương lai phải là Phật giáo vì nó đáp ứng được các tiêu chí của Khoa học hiện đại. ( hết )
Và đây là ý kiến phản hồi của tiến sỹ vật lý Nguyễn Tường Bách :
Kính thưa Đại Đức Nguyện Tuệ,
Rất vui khi nhận được bài viết của Sư. Trân trọng cám ơn về những tri kiến rất chính xác và thuyết phục của Đại Đức.
Đúng là phát kiến của Phật là phát kiến về Tâm chứ không phải về thế giới,
nhưng thế giới là một phần "phát biểu" của Tâm nên chúng ta thấy có liên quan.
Kính chúc Đại Đức thân tâm an lạc, tinh tấn trên con đường tu hành.
Kính thư
Nguyễn Tường Bách
2018-05-27 2:38 GMT+02:00 <daiducnguyentue2015@gmail.com>:

KỸ NĂNG SỐNG THÍCH NGHI

Phàm phu vì bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc nên sống với tâm thích và ghét mà thuật ngữ Phật học gọi là Tham và Sân. Thích các đối tượng Dễ chịu vì nghĩ rằng các đối tượng này sẽ mang đến hạnh phúc, chấm dứt đau khổ cho mình, Ghét các đối tượng khó chịu vì nghĩ rằng chúng mang đau khổ đến cho mình. Vì thích nên cố gắng nỗ lực để nắm giữ, làm chủ, sở hữu các đối tượng dễ chịu, vì ghét nên cố gắng nỗ lực để xua đuổi, xa lánh, vứt bỏ các đối tượng khó chịu. Vì thế suốt đời nỗ lực cố gắng để tích lũy tiền bạc, của cải, danh tiếng, sức khỏe, hạnh phúc ( các đối tượng dễ chịu ) với hy vọng một tương lai được đảm bảo, được an toàn nhất là khi già cả. Nhưng vì các đối tượng Dễ chịu và Khó chịu đó là các Cảm Thọ, do 6 Căn và 6 Trần tương tác mà phát sinh, không phải là Thế Giới vật chất ngoại cảnh, nên nó Vô Thường, Vô Chủ Vô Sở Hữu ( Vô ngã ), nó sinh lên rồi diệt đi tức khắc, không ai có thể nắm giữ, tích luỹ, làm chủ, điều khiển được nó, vì thế nên cuộc sống của Phàm phu mâu thuẩn, xung đột với sự thật thực tại nên chỉ quanh quẩn nơi Sầu bi khổ ưu não và không thể chấm dứt khổ.
Bậc Thánh THẤY BIẾT NHƯ THẬT về Khổ và Nguyên nhân Khổ nên sống thích nghi với mọi đối tượng, nghĩa là không thích đối tượng dễ chịu, không ghét đối tượng khó chịu. Vì không thích đối tượng dễ chịu nên không còn cố gắng nỗ lực để nắm giữ, làm chủ, sở hữu đối tượng dễ chịu, vì không ghét đối tượng khó chịu nên không cố gắng nỗ lực để xua đuổi, xa lánh, vứt bỏ các đối tượng khó chịu. Vị ấy sống Thích Nghi với mọi đối tượng như vậy nên đời sống vị đó không còn khổ đau. Vị ấy thân chứng, thấy biết như thật Con Đường Thích Nghi ấy là Bát Chánh Đạo với Chánh Niệm - Chánh Tinh Tấn - Chánh Định - Chánh Tư Duy - Chánh Tri Kiến - Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. 
Phàm phu chỉ sống trong kinh nghiệm thích và ghét, lý giải mọi sự của cuộc đời bằng tri thức, kinh nghiệm của thích và ghét nên không thể nào hiểu nổi, không thể nào hình dung nổi một cuộc sống không có thích ghét là như thế nào. Chỉ có người nào thực hành Bát Chánh Đạo kinh nghiệm được, thân chứng được cuộc sống không có thích ghét là như thế nào nên khi so sánh với lối sống có thích ghét, thì sẽ tự mình biết lựa chọn lối sống thích nghi, không thích ghét để chấm dứt khổ.
Là đệ tử của Đức Thế Tôn hãy noi gương các bậc thánh, sống với lối sống Thích Nghi bằng cách sống an trú Chánh Niệm về thân thọ tâm pháp. Lối sống này sẽ không còn hướng đến tích lũy hạnh phúc, tiền bạc, của cải, tri thức, danh tiếng với hy vọng đảm bảo một cuộc sống an toàn cho tương lai mà hướng đến “tích lũy” một lối sống THÍCH NGHI VỚI MỌI ĐỐI TƯỢNG. Nhờ thực hành và an trú Tứ Niệm Xứ mà Thân Chứng và An Trú “THÍCH NGHI MỌI ĐỐI TƯỢNG” ngay bây giờ và tại đây nên tương lai có xẩy ra như thế nào, giàu có sang trọng hay tai nạn khốc liệt thì vị đó vẫn sống thích nghi, không có yêu thích, không có chán ghét, nên không có khổ vì các đối tượng đó. Hãy học tập và rèn luyện KỸ NĂNG SỐNG THÍCH NGHI VỚI MỌI ĐỐI TƯỢNG.

GIẢI MÃ KINH A DI ĐÀ

Muốn chấm dứt khổ phải thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Cảnh, vì Khổ và Nguyên nhân Khổ thuộc về Tâm chứ không thuộc về Cảnh. Và cụ thể là thay đổi từ Tâm Bát Tà Đạo có thích ghét sang Tâm Bát Chánh Đạo không có thích ghét để sống Thích Nghi với mọi hoàn cảnh. Nếu không thay đổi Tâm từ thích ghét sang không thích ghét thì cho dù có ở trong cảnh Cực Lạc thì rồi cảnh Cực Lạc lại trở thành Cực Khổ mà thôi. Hãy quan sát để thấy sự thật tâm thích ghét cho dù hoàn cảnh nào cũng không thoát khỏi khổ. Ví như một món ăn cực ngon, ăn vào là mê ly ngay nhưng rồi ngày nào cũng ăn món đó cả tuần, cả tháng thì món ăn mê ly đó lại trở thành không chịu đựng nổi. Chuyên xưa kể rằng, hai chàng Lưu và Nguyễn lạc vào chốn đào tiên, hàng ngày được các nàng tiên hầu hạ cùng với rượi tiên, nhạc tiên, hoa quả tiên, tình dục tiên ... Lúc đầu hai chàng thích thú hưởng thụ hạnh phúc tiên nhưng rồi ngày nào cũng vậy và nhàm chán bắt đầu xuất hiện, tăng trưởng. Và sau hai năm khi mà chính cái Cực Lạc đó lại trở thành Cực Khổ, hai chàng mới trốn thoát khỏi động tiên để trở về với cuộc sống thế gian vô thường.
GIẢI MÃ KINH A DI ĐÀ
Bản Kinh A DI ĐÀ là giáo lý của tông Tịnh Độ, một tông phái của Phật giáo Bắc tông. Sự xiển dương và hành trì của tông Tịnh độ trong quá khứ cũng như hiện nay chứng tỏ những vị Tổ sư của tông phái này chưa bao giờ đọc kỹ kinh A di đà, nên đã không hiểu được nội dung cũng như ẩn ý của kinh A di đà, vì vậy xiển đương và hành trì sai lạc với nội dung và chủ đích của Kinh A Di Đà. Hãy đọc kỹ để hiểu biết về nội dung của Kinh A Di Đà.
A - Một nội dung quan trọng nhất mà người đọc kinh thường bỏ qua, đó là phong cảnh sinh hoạt và đời sống sau khi được vãng sanh Tịnh độ : 
1 - Phong cảnh của Tây phương cực lạc được mô tả rất hoành tráng với vàng bạc, hổ phách, xà cừ, mã não... nhưng điểm nhấn của phong cảnh này là những loài chim quý như Bach hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần già ...ngày đêm sáu thời , tiếng hót hoà nhã phát ra Pháp Âm : NGŨ CĂN, NGŨ LỰC, THẤT BỒ ĐỀ PHẦN, BÁT CHÁNH ĐẠO PHẦN. Và những hàng cây báu những lưới ngọc giăng, phát ra những âm thanh vi diệu, khiến cho những ai nghe được thì đều sinh lòng Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng. 
Qua sự mô tả này, phải hiểu Tây phương cực lạc là môi trường lý tưởng cho người Phật tử, và cho người nào muốn tìm hiểu và tu tập Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng. Tại sao vậy ? Tại vì, ở đây có đầy đủ điều kiện để nghe Pháp, ẩn dụ qua hình ảnh các loài chim quý ngày đêm sáu thời diễn nói Pháp Âm như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề phần, Bát Chánh Đạo phần. Đây là điều kiện lý tưởng để có được Văn Tuệ, là Trí Tuê do Đức Phật Thích Ca thuyết giảng về Tứ Thánh Đế, về Bát Chánh Đạo. Những hàng cây báu, những lưới ngọc giăng phát ra những âm thanh vi diệu liên tục, có tác dụng làm cho Chánh Niệm : Nhớ đến Phật, Nhớ đến Pháp, Nhớ đến Tăng liên tục khởi lên và nhờ vậy các Niệm và Tư duy thế tục( tức Tà Niệm ) được đoạn trừ. Nhờ có Chánh Niệm về Phật, về Pháp, về Tăng như vậy mà sẽ có Chánh Tư duy về những điều đã được nghe và do đó mà có được sự hiểu biết sâu rộng hơn về Phật, Pháp, Tăng, tức có Tư Tuệ. Không những Chánh Niệm về Phật, Pháp, Tăng phát sinh Tư Tuệ mà Chánh Niệm sẽ khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, đưa đến thấy biết như thật gọi là Tu Tuệ, chính là Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Như vậy, Tây phương cực lạc là hình ảnh ẩn dụ cho một môi trường lý tưởng để có được Văn Tuệ, Tư Tuệ và Tu Tuệ. 
2 - Đời sống sinh hoạt của cư dân Tây phương cực lạc: 
Hãy đọc và suy ngầm kỷ để thấy, khi được sinh ra tại Tây phương cực lạc là bắt đầu một đời sống mới, một đời sống tu tập Bát Chánh Đạo liên tục không ngừng nghỉ chứ không phải như chủ trương của tông Tịnh độ, được vãng sinh về Tây phương cực lạc là xong, không còn phải tu hành gì nữa. Bản văn mô tả, chúng sanh trong cõi đó, thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãy đựng các hoa tốt, đem cúng dường mười muôn ức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền về bổn quốc, cơm nước xong liền đi kinh hành. Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cọng mạng, những giống chim đó ngày đêm sáu thời tiếng hót hoà nhã, tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần...v v. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong, thảy đều sinh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá lợi Phất, trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu, và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, ví như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng một lúc hoà chung. Người nào nghe tiếng đó đều sinh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Đoạn trích từ Kinh A di đà trên cho thấy đời sống và sinh hoạt của cư dân nơi cõi nước Cực lạc diễn ra như sau: 
a - Sáng sớm thức dậy lễ bái cúng dường chư Phật mười phương, sau đó cơm nước xong liền đi kinh hành. Ẩn ý của câu văn này là cư dân Tịnh độ ăn ngày một bữa , ăn xong thì lập tức tu hành.
b - Những loài chim quý ngày đêm sáu thời diễn nói Pháp Âm của Phật, những âm thanh do các hàng cây báu, những lưới báu phát ra làm cho cư dân Tịnh độ sinh lòng niệm Phật ,niệm Pháp, niệm Tăng ẩn ý nói rằng ở đây tu hành liên tục không dừng nghỉ, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng không dừng nghỉ. Và thế nào là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng?
- Niệm Phật là nhớ đến: Phật là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Không những nhớ đến mười danh hiệu tức mười phẩm tánh của một Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà còn tư duy tìm hiểu, thấu rõ mười phẩm tánh của một Đức Phật. Nhờ thực hành Niệm Phật như vậy mà tâm tư được lắng trong, các ô nhiễm và lậu hoặc được nhiếp phục và người ấy đạt được an lạc không có khó khăn. Pháp Niệm Phật như vậy là pháp Niệm Phật được tất cả các tông phái Phật Giáo chấp nhận, được thực hành ở Tây phương cực lạc, được Kinh điển mọi tông phái đề cập đến. Còn niệm Nam mô A di đà Phật cũng là niệm Phật nhưng chỉ là pháp niệm Phật của tông Tịnh độ chủ trương nhưng lại không được nhắc đến, không được thực hành tại Tây phương cực lạc.
- Niệm Pháp là nhớ đến và thực hành Pháp bao gồm:
Nhớ đến Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng có tính chất: Thiết thực hiện tại, Đến để mà thấy, Không bị chi phối bởi thời gian, Có tính hướng thượng, Cho người trí tự mình giác ngộ.
Nhớ đến Lý Duyên Khởi, nhớ đến các pháp Vô thường, Vô ngã, nhớ đến để Thấy Biết như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo tức nhớ đến Tứ Thánh Đế.
Nhớ đến sự thực hành : Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo.
- Niệm Tăng là nhớ đến: Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn,Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là có bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Nhờ Niệm Tăng như vậy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não được nhiếp phục.
B - Định nghĩa khái niệm cực lạc:
Vì chúng sanh trong cõi đó không có những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui nên cõi nước đó tên là Cực Lạc.
Theo sự mô tả về đời sống sinh hoạt của cư dân Tịnh độ, họ chỉ học tập về Tứ Thánh Đế và tu tập Bát Chánh Đạo. Tuy Tứ Thánh Đế không được nhắc đến, chỉ đề cập Bát Chánh Đạo, nhưng sự tu tập Bát Chánh Đạo không thể tách biệt Tứ Thánh Đế, vì rằng Bát Chánh Đạo là một Đế trong bốn Đế. Tuy kinh đề cập tới ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần nhưng hàm ý là ba mươi bảy phẩm trợ đạo và thực chất ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cách thức đề cập các khía cạnh khác nhau của Bát Chánh Đạo hiệp thế và siêu thế.
Do sự thực hành liên tục như vậy mà lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên, lộ trình tâm Bát Tà Đạo của phàm phu được nhiếp phục, không khởi lên. Do vậy vị ấy chứng ngộ được trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, vắng mặt Vô minh, vắng mặt Tham Sân Si, vắng mặt sầu bi khổ ưu não, nghĩa là chứng ngộ được Khổ Diệt hay thuật ngữ Phật học gọi là Niết Bàn. Vị ấy cũng chứng ngộ được Bát Chánh Đạo là con đường Chấm dứt Khổ và đây là chứng ngộ Diệt Đế và Đạo Đế. Cư dân nơi Cực Lạc không có những sự khổ là do thực hành Bát Chánh Đạo như vậy
Cư dân ở đó chỉ hưởng những điều vui là như thế nào? Khi Bát Chánh Đạo khởi lên có ba pháp là cái trục chính của Bát Chánh Đạo gồm Chánh Niệm - Chánh Định - Chánh Kiến mà nói tắt là Niệm - Định - Tuệ. Trong đó Chánh Định có thể là Sơ thiên, Nhị thiền, Tam thiền hoặc Tứ thiền. Nếu là Sơ thiền thì sẽ có hỷ lạc do ly dục sanh, nếu Nhị thiền sẽ có hỷ lạc do định sanh, nếu Tam thiền sẽ có lạc do xã sanh, nếu Tứ thiền sẽ có xả niệm thanh tịnh. Cư dân Tịnh độ chỉ hưởng những điều vui, đó là cái vui nội tâm do các mức độ định của Chánh Định mà có. Đây gọi là vui hay kinh gọi là lạc, một thứ lạc vô hại, không nguy hiểm như Dục Lạc thế gian vui ít ,khổ nhiều ,não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Kẻ phàm phu vì tham đắm và khát khao Dục Lạc, phải lao tâm khổ trí tìm cầu Dục Lạc nên sầu bi khổ ưu não khởi lên. Vì Dục Lạc mà cha con tranh đoạt nhau, vợ chồng tranh đoạt nhau, người ta đâm chém giành giật nhau, người ta tạt a xít vào mặt nhau, người ta chế tạo và buôn bán ma tuý, người ta chế tạo bom đạn kể cả bom hạt nhân để tàn sát tàn hại lẫn nhau. Vì Lạc ấy mà có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi. Vì lạc ấy mà có biết bao lừa đảo, phá sản, biết bao tội ác và khổ đau trên thế gian này. Vì lạc ấy mà các cô hoa hậu bán dâm, vì lạc ấy mà có con trai giao cấu với cả mẹ đẻ của mình, có ông bố hiếp dâm đứa con đẻ sáu tuổi... Lạc đó của Dục Lạc thế gian gọi là phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc. Lạc đó đáng sợ hãi và cần xa lánh. Trái với Dục Lạc thế gian ,lạc của các bậc thiền Chánh Định là vô hại, lạc đó đưa đến xa lánh Dục Lạc, viễn ly, đoạn trừ, đoạn tận tham ái Dục Lạc nên nó là Thánh lạc, chánh giác lạc, an ổn lạc, viễn ly lạc.
Như vậy khái niệm Cực Lạc ở đây khác với các khái niệm Thiên đường cực lạc của các tôn giáo khác, khác với quan niệm của phàm phu về cực lạc. Đối với các tôn giáo và phàm phu thì Thế giới cực lạc là nơi chỉ có sắc đep, tiếng hay, hương thơm ,vị ngon, xúc chạm êm ái... muốn tận hưởng bao nhiêu cũng có, không bao giờ thiếu, muốn gì được nấy. Thế giới cực lạc như vậy là do tâm tham ái Dục lạc mơ ước suy diển rồi tưởng tượng ra.
Như vậy, cư dân ở Tây phương cực lạc không có những sự khổ chỉ hưởng toàn vui là do họ có được môi trường lý tưởng để học tập Tứ Thánh Đế, tu tập Bát Chánh đạo. Nhờ môi trường lý tưởng nên sự tu tập của họ xẩy ra liên tục không gián đoạn, vì vậy họ chứng ngộ và an trú Khổ Diệt ( Niết Ban ) .Sự an trú Khổ Diệt, Niết Bàn của các cư dân Tịnh độ không phải do THA LỰC của đức Phật A di đà mang đến mà do mỗi người TỰ LỰC thực hành Bát Chánh Đạo liên tục mà đạt được. 
C - Mâu thuần về vãng sanh và ẩn ý của bản kinh A Di Đà :
Trong bản kinh này có một tình tiết phi lý, tiền hậu bất nhất mà từ trước tới nay những người tu tịnh độ không ai phát hiện ra. Đó chính là cái nút thắt, và nếu cởi được nút thắt đó thì sẽ hiểu được ẩn ý của bản kinh muốn nói gì. Tình tiết phi lý đó là, mở đầu bản kinh nói rằng, ai niệm Phật A Di Đà cho đến 10 niệm, nhất tâm bất loạn, khi chết tâm không điên đảo thì được vãng sanh về Tây phương cực lạc ( vãng sanh sau khi chết ) nhưng cuối kinh lại khẳng định, ai đã niệm Phật thì đã sanh, đang niệm Phật thì đang sanh, ai sẽ niệm Phật thì sẽ sanh ( vãng sanh khi còn sống ). Cả văn và nghĩa của đoạn văn này là mâu thuẩn, tiền hậu bất nhất vì trước nói chết xong mới vảng sanh ( như mọi tín đồ tịnh độ hiểu ) nhưng đoạn cuối lại khẳng định là hể niệm Phật A Di Đà là vãng sanh ngay lúc đó, lúc còn sống chứ không phải chết mới vãng sanh. Tác giả của bản kinh này là một người thông thái, hiểu nhiều biết rộng, không thể là loại người nói trước quyên sau, để có thể phạm một lỗi ngớ ngẩn như vậy, mà cái “tiền hậu bất nhất” này là do tác giả cố tình trưng ra để người đọc có trí sẽ hiểu được ẩn ý của bản kinh. Và cái ẩn ý đó là : bản kinh này phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ chứ không được hiểu theo nghĩa đen mà ngôn từ đã mô tả. Nghĩa ẩn dụ ở đây là, cho dù ở bất kỳ thế giới nào, cho dù đó là thế giới Tây phương cực lạc đi nữa, con người muốn chấm dứt khổ thì chỉ có một Cách Duy Nhất là học tập Tứ Thánh Đế và tu tập Bát Chánh Đạo. Vậy thì hãy NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY học tập Tứ Thánh Đế và tu tập Bát Chánh Đạo thì sẽ chứng ngộ NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY là Tây phương cực lạc đâu phải chờ đến sau khi chết. Khẳng định về sau của bản kinh : Ai đã niệm Phật thì đã sanh, ai đang niệm Phật thì đang sanh, ai sẽ niệm Phật thì sẽ sanh, nhấn mạnh đã vãng sanh rồi thì đừng chờ đợi đến lúc chết mà ngay bây giờ và tại đây, hãy tu tập Bát Chánh Đạo liên tục ngày đêm sáu thời không dừng nghỉ. Lúc đó sẽ như Pháp, ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY, sẽ thân chứng được thực tại Tây phương cực lạc là gì, chứ không phải ĐẾN ĐỂ MÀ TIN như các tín đồ tông tịnh độ hiện nay.

BỊ TREO LƠ LỬNG (HY VỌNG)

Ngoại trừ các bậc Thánh đã giác ngộ theo chỉ dạy của Đức Phật, còn tất cả nhân loại, dù gái hay trai, già hay trẻ, giàu hay nghèo, ngu hay trí đang tìm lối thoát khỏi khổ trong tương lai. Vì vậy, ai ai cũng đang cố gắng chịu đựng khổ, nhẫn nhục chịu đựng khổ với hy vọng tương lai sẽ thoát khỏi các nỗi khổ đó. Những người giàu có, thành đạt nhẫn chịu để hy vọng giàu có thành đạt hơn để có thể hết khổ phải nhẫn chiu. Trẻ con hy vọng lớn lên trở thành người lớn để tự do tự tại đi đây đi đó, làm những việc mình muốn và không còn khổ vì lệ thuộc bố mẹ. Hy vọng sẽ thành đạt, giàu sang để không còn khổ vì nghèo đói, vì bị coi thường. Hy vọng cơn bão không đổ bộ vào nơi mình ở, hy vọng mưa thuận gió hoà, hy vọng kẻ thù sẽ bị trừng phạt đích đáng ... Đến kẻ tử tù cũng sống trong hy vọng ngày đó chưa phải là ngày mai, vẫn phấp phỏng hy vọng mình thoát án tử. Tín đồ các tôn giáo thì hy vọng sau khi chết có một đời sau tốt đẹp, hy vọng sẽ được hiện hữu nơi thiên đường cực lạc, hiện hữu nơi thế giới tâm linh mầu nhiệm, vĩnh hằng.
Lối sống HY VỌNG TƯƠNG LAI chi phối toàn thể đời sống nhân loại nên bất cứ một ai không còn một tia hy vọng nào ở tương lai, không còn hy vọng thoát khổ trong tương lai thì họ sẽ tự sát. Hiện tượng này phơi bày một sự thật : Khi con người không còn hy vọng thoát được khổ trong tương lai thì KHỔ MỚI HIỆN NGUYÊN HÌNH KHÔNG CÒN ĐƯỢC CHE GIẤU BỞI HY VỌNG VÀ LÚC ĐÓ NÓ GHÊ GHỚM ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ NÀO CHỊU ĐỰNG NỔI. Chính vì nhận thức của nhân loại đã mặc định “chỉ có một lối thoát khổ duy nhất xẩy ra trong tương lai” nên toàn bộ cuộc sống từ triết học, văn học, nghệ thuật, ca nhạc đến sự tán gẫu hàng ngày đều nhắm đến tạo dựng, ca tụng một lý tưởng sống lạc quan, tin tưởng tương lai, cỗ vũ cho tương lai. Và lối sống đó đã cột chặt con người vào những ước vọng tương lai, vào những dự định tốt đẹp sẽ xẩy ra trong tương lai. 
Lối sống Hy Vọng Tương Lai tuy có mặt tốt là đã giúp cho con người chịu đựng được mọi gian truân cay đắng của cuộc đời để tồn tại, nhưng nó lại làm phát sinh một nỗi khổ mới còn kinh khủng hơn. Đó là nỗi khổ bị treo lơ lửng giữa Hy vọng và Thất vọng. Từ việc làm hiện tại đến kết quả hy vọng trong tương lai là thời gian Chờ Đợi. Hy Vọng thì phải Chờ Đợi, nhưng ở đâu có Chờ Đợi thì ở đó có căng thẳng và có cả thấp thỏm lo âu thất vọng và ở đâu có căng thẳng, có thấp thỏm lộ âu thất vọng thì ở đó có Đau khổ. Chờ đợi là thấp thỏm, là lo âu, là căng thẳng, là đau khổ, cho dù chờ đợi những điều tốt đẹp nhất chỉ một giờ nữa sẽ xẩy ra, ví như bà mẹ thấp thỏm chờ chàng rể đến rước dâu là con gái của mình từ 9 giờ sáng đến 10 giờ sáng. Cái một giờ chờ đợi đó nó dài hơn rất nhiều so với một giờ của cuộc sống thường ngày và đầy thấp thỏm. Máy bay đến trễ giờ 30 phút và sự chờ đợi tuy sự thực chỉ có 30 phút nhưng sao cảm thấy nó dài ghê. Từ khi mua tờ vé số đến khi xem được kết quả là thấp thỏm chờ đợi .... Kỳ vọng tương lai càng lớn bao nhiêu thì nỗi khổ bị treo lơ lửng cũng càng lớn bấy nhiêu.
Có một lối thoát khỏi mọi khổ đau, cay đắng của cuộc đời trong hiện tại, NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự mình tìm ra, giác ngộ và thuyết giảng. Lối thoát đó là thay đổi TÂM chứ không phải thay đổi CẢNH, cụ thể là thay đổi lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu gồm : Tà Niệm - Tà Tư Duy - Tà Kiến - ( Tham Sân Si ) - Tà Định - Tà Tinh Tấn - Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng sang lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của Bậc Thánh gồm : Chánh Niệm - Chánh Tinh Tấn - Chánh Định - Chánh Tư Duy - Chánh Kiến - Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Khi tu tập, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên gọi là Bát Chánh Đạo siêu thế thì đó cũng chính là Thực Tại Xuất Thế Gian của Bậc Thánh và trong thực tại Xuất Thế đó không còn Nhân, không còn Duyên cho Vô minh, cho Tham Sân Si sinh khởi, nên không còn Nhân Duyên cho Khổ khởi lên. Khi Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên nơi một vị đệ tử hữu học ( đang tu học ) hay vị vô học ( đã tu học xong ) thì thực tại của vị đó Vắng mặt Khổ, không còn Khổ mà thuật ngữ Phật học gọi là Khổ Diệt hay Niết Bàn. Vì vậy, Khổ Chấm Dứt, Khổ Diệt hay Niết Bàn là ngay bây giờ và tại đây khi mà Bát Chánh Đạo khởi lên. Nghĩa là thay đổi được Tâm từ Bát Tà Đạo sang Bát Chánh Đạo ngay lập tức KHỔ HẾT LIỀN, không còn phải chờ đợi khổ sẽ hết trong tương lai nữa. Nếu giây phút hiện tại, ngay bây giờ và tại đây làm được như vậy thì khi giây phút tương lai trở thành hiện tại thì cũng hết khổ như vậy và thực tại của người đó từ giây phút này sang giây phút khác sẽ không có khổ. Vì điều này mà kinh điển có nói : Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng là Thiết thực hiện tại ( khổ diệt ngay bây giờ và tại đây ), Không bị chi phối bởi thời gian. Bị chi phối bởi thời gian là pháp hữu vi, phát sinh theo định luật Nhân Quả theo thứ tự nhân trước quả sau, còn Khổ Diệt hay Niết Bàn là sự vắng mặt, sự không hiện hữu của Khổ nên là pháp vô vi, do không còn Nhân Duyên nên Khổ không có, chứ Không phải Bát Chánh Đạo là nhân, Khổ Diệt, Niết Bàn là quả. Khi tu tập Bát Chánh Đạo, Khổ được chấm dứt ngay bây giờ và tại đây nên không còn hy vọng tương lai, vì vậy không có khổ do bị treo lơ lửng giữa hy vọng và thất vọng. Tu tập Bát Chánh Đạo thân chứng được Khổ Diệt, Niết Bàn ngay bây giờ và tại đây thì sẽ chấm dứt được hiểu biết sai lạc, tu là để thấy được các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Thực tại bậc Thánh là Bát Chánh Đạo tuy vẫn vô thường, vô ngã như Phàm phu nhưng đâu còn khổ như của Phàm phu nữa để mà thấy khổ. Đúng sự thật là tu để biết đúng như thật, thực tại bậc Thánh là Vô thường, Khổ diệt, Vô ngã chứ không phải tu để thấy các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Có lý luận cho rằng có hai loại khổ, khổ để tiếp tục khổ và khổ để hết khổ, nghĩa là Phàm phu chịu khổ để rồi khổ tiếp còn người tu chịu đựng khổ để hết khổ. Đó cũng là tà kiến tu để hết khổ trong tương lai.

KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU.

Toàn thể nhân loại, cho dù ngu hay trí, dân tộc hay tôn giáo nào cũng đang từng giây phút một của hiện tại, nỗ lực cố gắng, chịu đựng mọi gian truân cay đắng để mong đạt được đích đến của cuộc đời tại một nơi chốn nào đó, một thời gian nào đó trong tương lai. Và ai cũng nghĩ rằng, khi nào đạt được đích đến ấy, thì đó là lúc kết thúc mọi lao tâm khổ trí, mọi khổ đau cay đắng của cuộc đời, và đó là lúc cuộc sống được an bài, là lúc vĩnh viễn chỉ còn tận hưởng mọi niềm vui, hạnh phúc đã đạt được. Những người không theo tôn giáo thì quan niệm đó là lúc đạt được sự giàu có, tình yêu, thành đạt, danh tiếng, quyền lực như đã mong ước. Những người theo các tôn giáo thì quan niệm sẽ đạt đến một đời sau hoàn mãn mà tận cùng là được hiện hữu trong một thiên đường cực lạc, một thế giới tâm linh kỳ diệu, mầu nhiệm và vĩnh hằng. Trong cái nhận thức về đích đến của cuộc đời như vậy đã thể hiện rõ rệt quan điểm, mục đích cuộc sống là tận hưởng niềm vui, hạnh phúc và cũng thể hiện rõ ràng quan điểm, chỉ khi nào có hạnh phúc viên mãn, đầy đủ không gián đoạn ấy thì lúc đó Khổ mới chấm dứt. 

Với nhận thức và lối sống bị nhận thức như vậy chi phối, nhân loại trong từng giây phút một, chịu đựng mọi đau khổ để đạt được đích đến trong tương lai. Nhưng khi đạt được đích đến ấy thì sự sung sướng hãnh diện vì đích đến ấy lại chấm dứt nhanh chóng không tồn tại mãi mãi. Vì sao vậy ? Vì đích đến ấy không còn nữa, nó chấm dứt và xuất hiện một đích đến mới lớn lao hơn, vĩ đại hơn đích đến vừa đạt được. Ví như đứa trẻ đi học lớp 1 thì đích đến là học xong lớp 1 nhưng đến đích rồi thì đích mới là lớp 2, rồi trung học, rồi cử nhân, rồi thạc sĩ, tiến sĩ... Đến đích tiến sĩ lại phải tiếp tục phấn đấu vì còn có một cái đích phía trước còn cao cả hơn. Vợ chồng có đích là sinh ra đứa con xinh đẹp, khỏe mạnh nhưng đạt được nó rồi lại phát sinh cái đích mới, con học đại học, công việc làm tốt cho con, lấy vợ gả chồng cho con, phải có cháu, chăm sóc cháu cho nó khỏe mạnh học giỏi ... Đích đến là danh mục tài sản 1 tỷ, nhưng sở hữu 1 tỷ rồi thì cái đích đến đó biến mất và xuất hiện đích đến 10 tỷ, rồi 100 tỷ, rồi ngàn tỷ, rồi 20 ngàn tỷ ... Hễ mỗi lần đạt đến một đích đến đã xây dựng, mơ ước, kỳ vọng trong quá khứ thì nó lại biến mất và lại xuất hiện một đích đến mới hấp dẫn hơn và lại phải tiếp tục lao tâm khổ trí, chịu đựng mọi đắng cay để đạt cho bằng được cái đích mới ấy trong tương lai. Và nhân loại suốt đời chịu đựng khổ để đuổi bắt đích đến trong tương lai không dừng nghỉ, không bao giờ đạt được trạng thái an bài, đã làm xong mọi việc để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc như mơ ước. Vì sao vậy ? Vì đích đến là niềm vui, hạnh phúc ấy không tồn tại vĩnh viễn vì nó là các CẢM GIÁC thuộc về phạm trù Tâm, nó xuất hiện rồi biến mất ngay chứ niềm vui, hạnh phúc ấy không có mặt, không thường hằng, không thường trú trong thế giới vật chất như hiểu lầm của nhân loại. Điều này giống như đứa trẻ đang đuổi bắt để nắm giữ các bong bóng xà phòng và hễ nó nắm bắt được cái bong bóng thì cái bong bóng ấy vở tan ngay trong tay nó. Vì con người đang đau khổ trong hiện tại lại đi tìm lối thoát khổ trong tương lai nên công việc đó không bao giờ hoàn thành, không bao giờ kết thúc. Vì vậy mới phải luân hồi tái sinh, nghĩa là chết kết thúc đời này lại tái sinh bắt đầu một đời mới để hoàn tất một mục đích không bao giờ hoàn tất được. Chính Liszt, một nhà soạn nhạc Hung ga ri đã nhận ra điều này khi ông viết bản giao hưởng “Khúc nhạc dạo đầu” với Chủ đề : “Cuộc đời từ những tiếng ru êm đềm của mẹ, những hương vị ngọt ngào của tình yêu đầu tiên, những niềm tin ngây thơ và dễ dãi vào tình yêu, hạnh phúc bị cuộc đời vùi dập, chà đạp và tan vở. Đến khi con người lao vào cuộc đấu tranh, tìm được hạnh phúc trong chiến thắng. Và cả bản hành khúc tang lễ cuối cùng. Tất cả, tất cả ĐỀU CHỈ LÀ "KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU”.

Rất nhiều vĩ nhân, nhiều nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ thiên tài đã nhận ra sự thật, tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc trong tương lai để thoát khỏi nổi khổ cuộc đời là phi lý, là ảo tưởng nhưng họ không có khả nặng tự mình tìm ra lối thoát cho cuộc đời đau khổ. Và họ cũng không có nhân duyên để bắt gặp giáo lý thậm thâm vi diệu, nên nhiều người trong số họ đã tự sát. Nhân loại này từ cổ chí kim, độc nhất vô nhị chỉ có một con người duy nhất, không thầy chỉ dạy đã tự mình tìm ra, tự mình chứng ngộ và tuyên thuyết một lối thoát ra khỏi mọi đau khổ của cuộc đời ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và những ai có may mắn gặp được Giáo Lý của Ngài, hiểu đúng, thực hành đúng thì ngay trong hiện tại sẽ đạt đến mục đích tối hậu của cuộc đời : “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm ( xong ), không còn trở lại thế gian này nữa”.